(Website Văn phòng) – Sáng 29/12, UBND TPHCM đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường giai đoạn 2002 – 2022, định hướng giai đoạn 2022 – 2032 trên địa bàn TP.

Tham dự Hội nghị có Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, nguyên lãnh đạo UBND TP các thời kỳ và các doanh nghiệp tham gia chương trình Bình ổn thị trường.

Theo báo cáo, TP bắt đầu triển khai Chương trình Bình ổn giá từ Tết Nhâm Ngọ 2002, với số vốn bình ổn 45 tỷ đồng với mục tiêu dự trữ các mặt hàng thiết yếu, cung ứng cho thị trường TP, hạn chế tình trạng khan hiếm hàng hóa, biến động giá trong những ngày giáp Tết, cận Tết Nguyên đán.

Trong giai đoạn 2005 – 2010, Chương trình xác định mặt hàng thiết yếu, xây dựng cơ chế thực hiện. Qua kinh nghiệm thực hiện Chương trình các năm trước và dựa trên nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết, Chương trình xác định nhóm mặt hàng thực phẩm thiết yếu, gồm 8 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu: gạo - nếp, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, đường và rau củ quả để thực hiện bình ổn thị trường.

Nổi bật trong giai đoạn này, Chương trình đã hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, đầu tư, phát triển chăn nuôi, giết mổ gia cầm tập trung, quy mô lớn, ứng phó kịp thời dịch cúm gia cầm diễn biến rất phức tạp, bùng phát từ cuối năm 2003. Đồng thời, Chương trình điều tiết thị trường, ổn định giá cả, xử lý kịp thời hiện tượng khan hàng, sốt giá các mặt hàng gạo năm 2008.

Giai đoạn 2010 – 2013, Chương trình phát triển về quy mô, triển khai xuyên suốt cả năm, xã hội hóa một phần nguồn vốn thực hiện bình ổn thị trường. Giai đoạn này, TP bắt đầu xã hội hóa một phần nguồn vốn triển khai thực hiện Chương trình. Theo đó, doanh nghiệp chủ động một phần vốn thu mua, dự trữ hàng bình ổn thị trường; một số doanh nghiệp chủ động hoàn toàn nguồn vốn thực hiện Chương trình.

Giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020, Chương trình huy động tất cả các thành phần kinh tế đồng hành tham gia thực hiện bình ổn thị trường, không phân biệt thành phần kinh tế. Nguồn vốn thực hiện Chương trình hoàn toàn xã hội hóa thông qua kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2021, các doanh nghiệp bình ổn thị trường đã chủ động, sáng tạo, kịp thời ứng phó tình hình mới, phát huy tinh thần trách nhiệm cộng đồng rất cao, khẳng định được vai trò dẫn dắt thị trường; góp phần cùng Thành phố giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc, duy trì các chuỗi cung ứng trong giai đoạn này.

Từ giai đoạn từ năm 2021 đến nay, Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn TP tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại điện tử, kết nối cung cầu hàng hóa; đồng thời triển khai quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí trung gian trong lưu thông hàng hóa, giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng.

Phát biểu tại Chương trình, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhấn mạnh, Chương trình bình ổn thị trường đã được nung nấu và chính thức được hình thành, triển khai từ năm 2002 với mục tiêu lớn nhất là đảm bảo an sinh xã hội, huy động mọi nguồn lực, điều tiết, ổn định giá cả thị trường nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu có ảnh hưởng trực tiếp đối với người lao động.

Chương trình bình ổn thị trường qua 20 năm đã trở thành một điểm sáng của TPHCM được hình thành và tiếp nối từ truyền thống nghĩa tình, năng động, sáng tạo của một TP luôn dành tình cảm và mọi điều kiện tốt nhất cho người dân TP cũng như người dân trên cả nước chọn TP làm nơi an cư lập nghiệp. Giá trị ấy được minh chứng cụ thể qua những thành công của Chương trình.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi khẳng định, Chương trình bình ổn thị trường là một cách tiếp cận đúng đắn, có tính hiệu quả của lãnh đạo TP các thời kỳ. Quá trình triển khai Chương trình luôn được cập nhật một cách sáng tạo của các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, mang đến sự nhận diện gần gũi đối với người tiêu dùng TP. Chương trình đã có những tác động xã hội quan trọng, góp phần tạo kênh mua sắm hàng hóa thiết yếu từ nhóm mặt hàng đầu tiên là lương thực thực phẩm đến mở rộng các nhóm mặt hàng phục vụ mùa tựu trường, sữa, y tế và linh hoạt điều chỉnh, cập nhật Chương trình trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phát sinh. Quá trình triển khai Chương trình từ cách tiếp cận ban đầu là “bình ổn giá” đến “bình ổn thị trường” là sự thay đổi trong tư duy tiếp cận đầy sáng tạo. Cuối cùng, Chương trình đã hình thành được mạng lưới liên kết giữa TPHCM với các tỉnh, thành trên cả nước, tạo vùng nguyên liệu ổn định từ sản xuất đến lưu thông hàng hóa, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa bền vững, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng trong mọi thời điểm.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực, chương trình vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất của doanh nghiệp được thúc đẩy mạnh mẽ nhưng chưa tạo được bước ngoặt về năng suất, chưa hình thành nhiều chuỗi cung ứng, chưa liên kết chặt chẽ giữa sản xuất - lưu thông - phân phối - tiêu dùng. Một số mặt hàng như đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm… có chi phí sản xuất còn cao, chưa ổn định, phụ thuộc diễn biến thị trường thế giới. Hệ thống nhận diện thương hiệu của Chương trình chưa gần gũi, quen thuộc đối với người tiêu dùng; do đó chưa hỗ trợ người tiêu dùng phân biệt, lựa chọn hàng bình ổn thị trường, chưa hỗ trợ doanh nghiệp vận dụng thương hiệu, uy tín của Chương trình...

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đề nghị, triển khai hiệu quả Quy chế của Chương trình, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện trên nguyên tắc xác định rõ các cơ chế phối hợp, triển khai, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị; tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành địa phương trong quá trình liên kết phát triển, hình thành các vùng chuyên canh đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện về an toàn thực phẩm gắn với sản xuất, lưu thông hàng hóa; tham mưu các giải pháp hình thành cộng đồng liên kết bền vững trong xây dựng các tiêu chuẩn cho sản phẩm bình ổn thị trường mang giá trị thương hiệu đặc trưng của Chương trình bình ổn thị trường, đó chính là “Giá cả hợp lý - Chất lượng nâng cao”; tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND TP các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn thị trường trên tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động và phát triển, phát huy tính chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp; tạo động lực cho doanh nghiệp đồng hành cùng TP thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

ZUKI.



 Liên kết website
9.737.313
Đang truy cập : 398
/portal/Home/Gop-y/default.aspx
/portal/home/photos
http://huongsenhotel.com.vn