Kính thưa các đồng chí,

Hưởng ứng chủ đề năm 2020 của TPHCM “Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, thay mặt phòng Đô thị, tôi xin được trình bày báo cáo về văn hóa ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kính thưa các đồng chí,

Là một nhà văn hoá kiệt xuất, ở Bác hội tụ đầy đủ những tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, điển hình của nhân cách con người Việt Nam. Một trong những đặc trưng cơ bản, mang dấu ấn riêng, rất đặc thù và rất Hồ Chí Minh đó là văn hóa ứng xử. Trong tác phẩm Đường kách mệnh xuất bản lần đầu năm 1927, Bác đã đưa ra những chuẩn mực của đạo đức cách mạng, thể hiện qua ba mối quan hệ ứng xử. Đó là ứng xử với bản thân, ứng xử với mọi người và ứng xử trong công việc.

1. Ứng xử với bản thân chính là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân, tinh thần cần-kiệm-liêm-chính, chí công vô tư, không màng danh lợi. Trong suốt cuộc đời mình, Bác luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ làm công tác lãnh đạo, quản lý. Người thường xuyên cảnh báo những căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân, đó là “tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền”, “xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh”. Và không chỉ cảnh báo, Người còn chỉ ra những biện pháp ngăn ngừa. Đó là phải “bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật”, phải thường xuyên “đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân”, “cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”.

2. Về cách ứng xử với mọi người. Bác thương yêu và quý trọng nhân cách con người nên dù có là ai, thuộc tầng lớp nào, bên Bác dẫu một lần cũng cảm thấy giá trị của cuộc đời được nâng lên. Đối với Bác, từ Chủ tịch nước tới người lao động bình thường, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đều được coi trọng, đều vẻ vang như nhau. Bác thường dạy, người lãnh đạo thương yêu cán bộ chính là ở thái độ thưởng phạt công minh, có thành tích thì khen, có khuyết điểm phải phạt.

3. Về ứng xử trong công việc, theo Bác, chính là không bao giờ dựa vào quyền lực buộc mọi người phục tùng. Là người đứng đầu Đảng, đứng đầu Nhà nước, đứng ở đỉnh cao quyền lực nhưng Bác không muốn có đặc quyền nào. Bác tự cho mình là “người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận”, là “người đày tớ trung thành của đồng bào”. Đồng chí Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng từng viết: Hồ Chí Minh là kiểu người lãnh đạo hiếm thấy. Người dứt khoát bác bỏ tham vọng quyền lực, chỉ muốn sẻ bớt cho người khác, nhưng làm việc hết sức mình với tinh thần trách nhiệm gương mẫu”. Nhà báo Pháp Jean Lacouture, nhà báo nước ngoài đầu tiên viết một cuốn tiểu sử hoàn chỉnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết rằng: “Người ta nhấn mạnh đến khía cạnh chủ yếu của uy quyền, của “sức hấp dẫn” mà Cụ Hồ có được với đồng bào của mình: đó là khía cạnh cảm hóa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết phục mọi người bằng đạo đức và phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương vừa có tính nguyên tắc, khoa học vừa mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Như vậy, văn hóa ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là giao tiếp thông thường, mà đó là biểu hiện sinh động của tư tưởng “yêu dân, kính dân”, “gắn bó máu thịt với nhân dân”, được thể hiện rõ nét qua tác phong lãnh đạo sâu sát, cụ thể và dân chủ của Người. Càng ôn lại những tư tưởng, câu chuyện và lời căn dặn của Bác, bản thân càng rút ra được nhiều bài học quý báu trong cả công việc lẫn cuộc sống hàng ngày. Đó là phải không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, tinh thần cách mạng, đoàn kết, dân chủ và kỷ luật trong đảng; nâng cao trình độ chuyên môn, phối hợp tốt với các đồng chí, đồng nghiệp trong giải quyết công việc, phù hợp với thực tiễn và xuất phát từ nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân, góp phần xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.



 Liên kết website
9.569.314
Đang truy cập : 258
/portal/Home/Gop-y/default.aspx
/portal/home/photos
http://huongsenhotel.com.vn