Đoàn kết, gắn bó chặt chẽ nhằm phát huy sức mạnh của cộng đồng để chống thiên tai và ngoại xâm là truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam; ông cha ta thông qua ca dao, tục ngữ để truyền dạy cho thế hệ sau về điều đó, như: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, “Nhiễu điều phũ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”,... Đến Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đại đoàn kết được xây dựng trên cả một lý luận chứ không còn đơn thuần là tình cảm tự nhiên của người trong một nước; nghĩa là, trong tư duy lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng đại đoàn kết được hình thành và phát triển trên một nền tảng lý luận khoa học và thực tiễn phong phú sâu sắc.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua đã chứng minh ý nghĩa vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc. Tư tưởng cách mạng và nhân văn đó của Người trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam từ cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng đó của Người đã thấm sâu vào trái tim và khối óc, lý trí và tình cảm của mọi người Việt Nam yêu nước; biến thành hành động cách mạng của hàng triệu con người, tạo nên sức mạnh vô địch trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong thực tiễn cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc phù hợp với tình hình, yêu cầu và nhiệm vụ mới của cách mạng. Trong quá trình đổi mới tư duy, nhận thức của Đảng về đại đoàn kết dân tộc đã có những phát triển mới với tư tưởng bao trùm là “Lấy dân làm gốc”.

Đại hội VI của Đảng đã nêu lên bốn bài học kinh nghiệm lớn, trong đó bài học thứ nhất là: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”. Thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, Hội nghị Trung ương 8 của Đảng đã ra Nghị quyết số 8B (ngày 27/3/1990) về đổi mới công tác quần chúng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, nhấn mạnh quan điểm cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Với những nhận thức ngày càng rõ hơn, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong đó có tầng lớp trí thức, trong Cương lĩnh năm 1991, Đảng ta khẳng định rằng, liên minh công – nông – trí thức là nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc. Thực vậy, trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ và kinh tế tri thức trở thành khuynh hướng phát triển chung của thế giới, vai trò của đội ngũ trí thức ngày càng quan trọng. Vì thế, việc lấy liên minh công – nông – trí thức làm nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc thể hiện sự vận dụng và phát triển một cách sáng tạo tư tưởng của Hồ Chí Minh về đại đoàn kết trong điều kiện mới.

Đại hội VIII của Đảng khẳng định những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Nhờ có sự hưởng ứng của nhân dân đối với đường lối đổi mới, dũng cảm phấn đấu vượt qua bao khó khăn thử thách mà công cuộc đổi mới trong nhiều năm qua của chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Đại  hội IX của Đảng nhấn mạnh:  “Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hoà các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội”. Như vậy, cùng với các động lực khác, đại đoàn kết dân tộc là động lực tổng hợp, có ý nghĩa quyết định đảm bảo sự thắng lợi và bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tiếp tục đường lối được xác định trong các Đại hội trước, tại Đại hội X, Đảng ta đã nhấn mạnh vấn đề phát huy sức mạnh toàn dân tộc, coi đó là một trong bốn thành tố của chủ đề Đại hội. Đây thực sự là một quan điểm rất mới, thành quả của quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng ta: thay thuật ngữ “đại đoàn kết toàn dân” bằng thuật ngữ “đại đoàn kết toàn dân tộc” với nội hàm đầy đủ hơn, toàn diện hơn.

Đại đoàn kết là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, gồm Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; trong đó vai trò hạt nhân lãnh đạo là tổ chức Đảng. Nhà nước đóng vai trò to lớn trong việc thực hiện đại đoàn kết không phải chỉ bằng việc thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật, mà còn ở trách nhiệm tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật đó.

Với tinh thần đoàn kết, chung tay góp sức của từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố nói chung và công chức Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính nói riêng luôn ý thức cao tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau thực hiện tốt công việc, luôn chan hòa giúp đỡ nhau trong công tác thường ngày vì nhiệm vụ chung vì sự phát triển bền vững của thành phố. Mỗi quần chúng, đảng viên, tổ chức Đảng luôn luôn ý thức, thực hiện  tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đặc biệt là với chủ đề năm 2020 là tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là trách nhiệm lớn, mà trước hết là của tập thể, cá nhân người đứng đầu như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.



 Liên kết website
9.566.032
Đang truy cập : 248
/portal/Home/Gop-y/default.aspx
/portal/home/photos
http://huongsenhotel.com.vn