Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chặng đường lịch sử hơn 50 năm. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng cảm nhận đầy đủ hơn về sức sống của Di chúc. Trong di chúc ấy, Người có viết: “nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều nǎm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hǎng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Nội dung nêu trên trong Di chúc là một ví dụ biểu hiện sinh động nhất về tư tưởng lấy dân làm gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cũng trong thời điểm này, cách đây 74 năm, ngày 02 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày hôm đó, một câu nói của người, không phải trong Tuyên ngôn, nhưng đã làm xúc động toàn thể đồng bào nước Việt, khi người dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không”.  

Và, âm thanh đồng loạt từ phía nhân dân “Có, có” cho thấy một dân tộc đang lắng nghe, rất rõ và rất phục từ câu nói, từ nhân cách của một người đứng đầu mà biết chan hòa yêu thương, lắng nghe dân mình, trước sự “lấy dân làm gốc” trong bất cứ tư tưởng, hành động nào của Người!

Chính tố chất nhân văn thể hiện trong câu nói với đồng bào ngắn gọn, súc tích đầy trìu mến yêu thương ấy mà Bác đã tập hợp và lập ra Nhà nước gồm những nhà trí thức trên nhiều lĩnh vực của quốc gia thời bấy giờ.

Câu nói “Tôi nói đồng bào nghe rõ không” giữa lúc Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập như tỏa sáng thêm lòng nhân ái, sự cảm thông sâu sắc, lòng yêu nước thương dân, niềm khát khao độc lập, tự do của cả dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời mình để theo đuổi.

Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ mãi vang vọng đến toàn dân tộc Việt Nam, bất chấp thời gian. Vì đó là chân lý chính nghĩa, pháp lý đanh thép và đạo lý cao cả của dân tộc Việt Nam. Vì ở đó thể hiện cao nhất tình yêu thương bao la của Người đứng đầu đất nước dành cho dân tộc mình. Đó cũng chính là bài học về sự tập hợp nhân dân, đồng bào của Bác để đời sau noi theo. Chỉ bằng một câu nói, một cử chỉ trìu mến “Tôi nói đồng bào nghe rõ không” cũng đủ để lại một bài học lớn lao như thế về tư tưởng lấy dân làm gốc.

Theo Bác, biểu hiện trước hết của lấy dân là gốc là phải tin ở dân, gần gũi dân, và biết dựa vào dân; phải có ý thức rõ “dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng”. Muốn hoàn thành nhiệm vụ, muốn biến đường lối chủ trương của Đảng thành phong trào quần chúng, thành sức mạnh cách mạng thì Đảng phải có đường lối đúng đắn; cán bộ đảng viên “phải liên lạc mật thiết với dân chúng”.

Người dạy phải thực hiện dân chủ với dân để phát huy tinh thần làm chủ của dân, và coi đây là cốt lõi của vấn đề lấy dân làm gốc. Đặc biệt Người nhấn mạnh: thiết thực nhất của việc bồi dưỡng “cái gốc” là phải thường xuyên chăm lo đời sống cho dân, chăm lo lợi ích chính đáng của dân. Người thường nhắc: chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm lo đời sống của dân: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi…”.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm lấy dân làm gốc được Người diễn đạt rất khái quát: Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Đó cũng là cái “gốc” làm nên nhân cách vĩ đại Hồ Chí Minh, là xuất phát điểm của mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong việc chăm lo xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Lúc sinh thời, gắn liền với chặng đường lịch sử của dân tộc, trong kháng chiến cũng như sau này khi lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện nhiệm vụ cách mạng, Bác Hồ luôn gần gũi, lắng nghe ý kiến của dân và mong muốn làm cho dân hiểu. Theo Bác, có gần gũi nhân dân mới hiểu được dân, mới vận động được nhân dân thực hiện các chủ trương chính sách nhằm đem lại ấm no hạnh phúc cho dân, mới giành được tất cả mục tiêu cho dân tộc.

Liên hệ với thực tế có thể thấy, ở thời đại nào, thời kỳ nào cũng vậy, vai trò người cán bộ, công nhân viên chức trong bộ máy quản lý nhà nước là vô cùng quan trọng. Đối tượng tác động của người cán bộ, công chức là khối quần chúng nhân dân đông đảo. Họ rất đa dạng và không thuần nhất. Có nghĩa là, người cán bộ, công chức phải tiếp xúc, gần gũi với các tầng lớp nhân dân ở mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, kể cả nhu cầu, nguyện vọng và xu hướng chính trị, trình độ hiểu biết khác nhau. “Lăn lộn” với quần chúng, tiếp thu và phản ánh chính xác tâm tư nguyện vọng của nhân dân luôn là yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với mỗi người cán bộ, công chức, viên chức nhằm đảm bảo việc tham mưu cơ chế, chính sách đều vì dân, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân đúng như lời dặn trong bản Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ.



 Liên kết website
9.795.186
Đang truy cập : 19
/portal/Home/Gop-y/default.aspx
/portal/home/photos
http://huongsenhotel.com.vn